Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Ly cocktail lớn nhất thế giới

MNCT - Quán rượu El Floridita ở Old Havana (Cuba) vừa trình làng ly cocktail Daiquiri lớn nhất thế giới. 

Theo Metro, để pha được ly cocktail khổng lồ trên, quán rượu phải huy động hơn 10 chuyên gia pha chế rượu cùng 55 tình nguyện viên hỗ trợ.

Hơn nửa tiếng đồng hồ, ly cocktail được trình làng với thể tích 270 lít.

88 chai rượu rum trắng, một lượng lớn nước cốt chanh, đường và đá xay đã được dồn vào trong ly Daiquiri khủng này (ảnh).

Sách Guinness ghi nhận đây là ly Daiquiri lớn nhất thế giới cho đến nay.


Ảnh: Metro

TheoMetro

Bánh mì vòng quanh thế giới

MNCT - Mỗi quốc gia với mỗi truyền thống và công thức chế biến riêng biệt đã góp phần tạo ra bộ sưu tập bánh mì vô cùng phong phú.

Khoảng 3.000 năm trước công nguyên, loại bột nhồi bánh mì đầu tiên trên thế giới đã ra đời nhờ vào kỹ thuật ủ men bia của người Ai Cập và điều kiện khí hậu ấm áp. Ngày nay, với tầm quan trọng về dinh dưỡng, bánh mì đã trở thành một loại lương thực không thể thiếu tại nhiều quốc gia.

Bánh mì châu Mỹ

Ở Mỹ, loại bánh mì truyền thống phổ biến nhất thường có ruột mềm, vỏ mỏng, được làm với sữa và có vị hơi ngọt. Loại này thường được cắt lát và bán trong các gói đóng sẵn.

Mặc dù bánh mì sandwich trắng là loại thông dụng nhất song người Mỹ đang có khuynh hướng chuyển sang dùng loại bánh mì thủ công làm từ bột ngũ cốc nguyên hạt.

Những vùng miền khác nhau trên đất Mỹ sẽ có những loại bánh mì địa phương đặc trưng, chẳng hạn scali - loại bánh mì theo phong cách Ý được làm tại New England và bánh mì hắc mạch của người Do Thái.

Khu vực vùng Vịnh San Francisco nổi tiếng thế giới về loại bột nhào chua dùng làm bánh mì vỏ cứng.

Nhiều loại bánh mì ngoại nhập khác cũng phổ biến tại Mỹ và Canada, đặc biệt bánh mì gậy baguette của Pháp, bánh mì vòng bagel của người Do Thái Đông Âu, ciabatta của Ý và pita của vùng Trung Đông.

Bánh mì scali

Các quốc gia Trung Mỹ dùng chủ yếu món bánh ngô tortilla đã có mặt từ hàng trăm năm nay. Bánh ngô tortilla tuy là loại bánh dùng chủ yếu hằng ngày trên hầu hết lãnh thổ Mexico, nhưng bánh mì ổ nhỏ các loại cũng là loại thực phẩm quan trọng hằng ngày đối với cư dân thành thị. Ở Mexico, bánh mì được gọi là pan, phổ biến gồm có bollilo và pan dulce. Pan Dulce, là từ tiếng Tây Ban Nha dùng chỉ bánh mì ngọt, được ăn chính tại các bữa điểm tâm.

Bánh mì vùng Nam Mỹ lại chịu ảnh hưởng của nền văn hóa thực dân lẫn truyền thống của thổ dân da đỏ. Do đó, nhiều loại bánh mì châu Âu có thể tìm thấy ở những thành phố lớn tại đây, tuy nhiên người dân nông thôn lại thích dùng các loại bánh mì dân dã hơn.

Ở Peru, bánh mì có nhiều loại khác nhau dựa vào sự đa dạng, phong phú của các món ăn Peru. Người Peru thường ăn hai loại bánh mì Pan de piso và Pan serrano. Các khu chợ Bolivia cũng bán đủ loại bánh mì như marraqueta, sarnitas, empanadas, bollos, sopaipillas, colizas, và canapés. Chilê có món bánh mì truyền thống Milcao được làm từ khoai tây. Một số loại bánh khác làm từ khoai tây hiện cũng rất phổ biến ở vùng núi Andes.

Billio - bánh mì ổ kiểu Pháp phổ biến tại Mexico

Bánh mì pan dulce

Bánh mì châu Âu

Bánh mì truyền thống tại Anh cũng rất đa dạng và thường được nướng trong khuôn hình chữ nhật. Đông Bắc nước Anh còn phổ biến một loại bánh có dạng ổ tròn, dẹp, dày có tên “stottie”. Người dân Scotland thì tiêu thụ một dạng bánh mì khác.

Những ổ bánh mì Scotland đáng chú ý vì chỉ có mặt trên và đáy có vỏ nướng vàng, đặc ruột hơn nhiều so với bánh mì Anh và Mỹ. Loại này đang ngày càng trở nên ít thông dụng khi mà các loại bánh mì được tiêu thụ ở những nơi khác tại Anh đang ngày càng trở nên phổ biến hơn với người tiêu dùng.

Đối với người Ireland, theo truyền thống phần cùi bánh lại được xem là phần ngon nhất của ổ bánh. Bánh mì sôđa Ireland khác so với bánh mì châu Âu ở chỗ nó là loại bánh mì không men sử dụng phản ứng giữa nước sữa và bột sôđa thay vì ủ lên men.

Bánh mì stottie của người Anh

Trong khi bánh mì làm từ bột mì là loại phổ biến nhất tại Vương quốc Anh thì các nước Bắc Âu lại chuộng các loại bánh mì làm bằng lúa mạch đen hơn. Ở Đức, người ta có thể tìm thấy pumpernickel, một loại bánh mì làm từ lúa mạch đen và đường mật. Đức cũng là nước lấy làm tự hào bởi sự phong phú bậc nhất về các chủng loại bánh mì trên toàn thế giới với từ 300 - 500 loại căn bản và trên 1.000 loại bánh mì ổ nhỏ cùng nhiều loại bột nhào khác.

Người Đức cũng đứng đầu thế giới về sức tiêu thụ bánh mì, kế đến là Chilê. Cả hai nước Phần Lan và Nga cũng có những loại bánh mì đen được làm từ lúa mạch đen. Bánh mì hắc mạch truyền thống Phần Lan có dạng đĩa tròn, với một lỗ hổng chính giữa để dễ dàng cất dự trữ. Những loại bánh mì này khô ráp và có vị đậm hơn loại làm từ lúa mì, nhưng cũng vì thế nên có thể giữ được lâu hơn. Men ủ loại bột này có thể vẫn còn được một số gia đình lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Pumpernickel Đức

Tại Thụy Điển, bánh mì làm từ bột ngũ cốc nguyên hạt đặc biệt phổ biến, đáng chú ý là loại sandwich Thụy Điển mềm, dẹp và có vị hơi ngọt nổi tiếng được làm từ mạch lúa mạch đen và bột mì không men. Tại Tây Ban Nha, bánh mì cũng được gọi là “pan” với khoảng 315 loại khác nhau. Tây Ban Nha còn có cả một vùng gọi là “Tierra del Pan” (“Xứ Sở Bánh Mì”) nằm tại tỉnh Zamora, nơi trước kia nền kinh tế tại đây đã gắn liền với hoạt động sản xuất bánh mì.

Bánh mì ở Pháp được biết đến với tên “pain de mie” và chỉ được dùng để nướng hoặc kẹp thịt. Loại bánh mì chuẩn có một lớp vỏ dày và rất nhiều lỗ khí lớn bên trong ruột. Bánh hoàn toàn không được gói khi bán để giữ độ giòn cho vỏ. Một số loại bánh mì ngọt còn có thêm quả óc chó hoặc được rắc thêm hạt anh túc bên ngoài lớp vỏ.

Bánh mì gậy baguette kiểu Pháp

Các chủng loại bánh mì tại Ý lại khác nhau tùy theo vị trí địa lý, và lịch sử chính trị chia rẽ lâu đời tại đây cũng đã góp phần phát triển rộng rãi nhiều loại công thức cũng như truyền thống làm bánh khác nhau. Kinh nghiệm cho thấy bánh mì ổ nhỏ phổ biến hơn nhiều so với loại ổ lớn. Ngoài ra, người ta còn trộn thêm vào bột ủ một lượng nhỏ dầu ôliu để bánh làm ra mềm mướt và ngon hơn.

Bánh mì focaccia khá phổ biến ở Ý, loại này được biết đến với tên gọi fougasse ở Provence và fouace ở các vùng miền nam nước Pháp. Bánh mì này thường được cho thêm dầu ôliu và các loại rau gia vị; khi ăn người ta trét phô mai ở hai đầu hay kẹp thịt và rau củ. Bột ủ của loại bánh mì focaccia gần giống với bánh pizza.

Challah - một loại bánh mì trứng có dùng men ủ, hình bím tóc và dùng cho các ngày Sabbath của người Do Thái

Bánh mì châu Phi

Tại Maroc và Tây Bắc châu Phi có một loại bánh mì tròn dày khoảng 10cm được dùng trong phần lớn các món ăn nước của vùng Địa Trung Hải. Ở đây cũng có một loại bánh mì dai, đặc ruột được chiên dầu trước khi ăn. Một loại lương thực chính của Maroc là rghifa, bánh mì có nhiều lớp được chế biến nửa sống nửa chín.

Bánh mì châu Á

Trái với những suy nghĩ thường gặp, người dân một số nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản… và cả Việt Nam cũng dùng bánh mì hằng ngày bên cạnh cơm và các loại bún, mì. Bánh mì sandwich châu Á mềm hơn của Anh.

Ở Ấn Độ và nhiều nước Nam Á cũng có thể tìm thấy naan, một loại bánh mì không men có thêm các loại rau gia vị, hành và cả phô mai được nướng trong một lò đất nung gọi là tandoor. Những đặc sản khác là roti (hay chapatti), các loại bánh dẹp làm bằng bột mì. Một dạng bánh khác sử dụng bột mì mù tạt thay vì bột mì trắng.

Pita dưa leo thịt gà

Người dân miền bắc Trung Quốc phần lớn thường dùng một loại bánh truyền thống màu trắng làm bằng bột mì gọi là màn thầu hay bánh bao. Loại bánh này có thể được nướng vàng hoặc có nhân thịt hay hạt sen. Những thế hệ lớn tuổi hoặc bảo thủ hơn ở miền nam Trung Quốc vẫn xem cơm là thành phần chính yếu nhất của các bữa ăn.

Bánh mì kẹp thịt Việt Nam

Tại Việt Nam, phổ biến nhất là loại bánh mì ổ kiểu Pháp làm từ bột mì xẻ đôi để trét bơ, phô mai, patê kẹp với thịt, chả, đồ chua, dưa leo và các loại rau hành. Các thành phần này có thể thay đổi tùy vùng miền, sở thích và khẩu vị người ăn.

Cùng với loại bánh mì truyền thống này, ngày nay tại siêu thị hay các cửa hiệu bánh mì, bạn còn tìm thấy nhiều loại bánh mì đặc trưng du nhập từ khắp nơi trên thế giới như hamburger Mỹ, baguette Pháp, pumpernickel Đức, pizza Ý… góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho các món ăn tại Việt Nam.

Thân thương bánh mì Việt

MNCT -  Ăn sáng cũng gọn, ăn trưa hoặc lỡ cữ cũng ngon, hay vừa làm việc vừa ăn vẫn không “khác người”, chắc chỉ có bánh mì Việt.

Phải công nhận, bà mẹ ẩm thực Việt thật độ lượng và tài tình. Bởi nguyên thủy bánh mì là một loại bánh bột nướng của Tây, có mặt ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Song loại bánh này vẫn được dung dưỡng và dần cải biến thành những dạng bánh thân quen như ngày nay.

Mỗi chúng ta ai cũng có vài khoảng thời gian đẹp để nhớ. Ví dụ như tuổi thơ nghịch ngợm, thời sinh viên túng thiếu hoặc những lúc lận đận... Lạ thay, những khoảnh khắc ấy, bánh mì hoặc xôi nếp luôn là bầu bạn.

Hơn mười năm trước, dọc theo những bến xe miền Tây, miền Đông bánh mì còn “chở” cả những tiếng rao: “Bánh mì nóng hổi, vừa thổi vừa ăn đây! Mua vô! Mua vô!”.

Biết lựa, người mua sẽ tìm được những chiếc bánh ngon y như lời rao ngân nga của người bán.

Bánh mì kẹp thịt Việt Nam

Và những chiếc bánh ấy sẽ là món quà “Xì - Gòn” thật quý giá cho những “cục cưng” hay bậc cao niên chốn tỉnh lẻ.

Da bánh còn thơm mùi “mộc” của tinh bột nướng vừa đủ chín. Ruột bánh đầy đặn nhưng xốp rễ tre, hương vị nghe thơm thơm, bùi bùi.

Cũng có người ăn kèm với đường tán, sang hơn nữa thì rưới lên ít sữa đặc có đường cho thêm ngọt và béo.

Cũng có những lúc người ta “bị” gặm bánh mì. Ví dụ như những bác xích lô, chú xe ôm, học sinh, sinh viên nghèo...

Một tô cháo huyết kèm ổ bánh mì không cũng là bữa sáng thịnh soạn cho dân lao động nghèo thành thị. Hay như anh sinh viên nghèo Trần Bích (đang ở Q.4), quê miền Trung, từng “đi chợ” với hai ổ bánh mì, để dành ít tiền còm mua vé đi xem phim hay dịp cuối tuần. Nay anh Bích đã làm công chức, thu nhập tương đối, thỉnh thoảng anh lại lai rai với bánh mì, chả lụa. Anh cứ một mực bảo rằng, bánh mì ngày khổ ngon hơn bánh mì thời sướng.

Tiếp nối, bao lớp người ngày nay vẫn ghiền ăn bánh mì, bởi nó khá rẻ, tiện dụng ở mọi lúc mọi nơi. Và tất nhiên, họ luôn có những điểm bán ngon quen thuộc.

Điều rất thú vị là bánh mì Sài Gòn chính là món ăn khoái khẩu của bà xã CEO Facebook Mark Zuckerberg đấy!

Tấn Tới


Theo Triệu Mẫn / Tuổi Trẻ

“Rùng mình” với bánh sinh nhật hình con trăn

MNCT - Đừng vội chạy nếu bạn thấy con vật này trên bàn ăn, bởi đây chỉ là chiếc bánh sinh nhật vô hại được thiết kế theo hình con trăn.

Cô Francesca Pitcher tại Anh đã dành thời gian để thiết kế nên chiếc bánh gatô hình con trăn vàng Myanmar để mừng sinh nhật lần thứ sáu cho cô con gái Claudia của mình.

Ảnh: designswan

Cô Francesca cho biết Claudia rất thích các loài bò sát và muốn có một bữa tiệc theo chủ đề ma quái. Mong muốn trên của con gái đã khiến bà quyết tâm tự tay làm chiếc bánh có hình chú trăn vàng Myanmar này.

Hình ảnh chiếc bánh gatô có hình thù đáng sợ này xuất hiện Facebook của tiệm bánh North Star Cakes, nơi cô tự tay làm bánh và được nhiều cư dân mạng hưởng ứng thích thú.

Theo Ihay

Uống cà phê dưới cánh... máy bay Boeing 707

MNCT - Máy bay Boeing 707 từng là một thành tựu của ngành hàng không dân dụng thế giới, từng được Tổng thống Mỹ sử dụng, nhưng ở Việt Nam, chiếc Boeing 707 duy nhất lại chỉ có chức năng như chiếc quán cóc dùng để bán cà phê.

Boeing quán cóc

Một thành viên trang airliners.net là Fanofjets đến từ Mỹ cho biết, trong khi tìm kiếm trên internet, thấy một chiếc máy bay Boeing 707 số hiệu VN-A394 ở Việt Nam.

Fanofjets rất muốn biết thông tin về linh kiện của chiếc máy bay và lịch sử của nó. Hình ảnh Fanofjets nhìn thấy là một chiếc máy bay khổng lồ đang nằm trong một vườn cây được bao bọc bởi một hàng rào sắt kiểu gia đình.

Lần theo các chỉ dẫn trên bản đồ, tôi tìm thấy chiếc máy bay Boeing 707 ở đường Hồng Hà, bên cạnh Sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Chiếc máy bay vẫn còn rất chắc chắn, nhờ công nghệ sản xuất sử dụng kim loại dày và bền. Dưới cánh 707, vài chục chiếc ghế bố bày bán cà phê, người nằm, ngồi ngổn ngang.

Phút ngủ trưa

Anh nhân viên bán quán cho biết, quán cà phê này là căng tin của Trung tâm Huấn luyện bay TPHCM. Các cánh cửa máy bay đều hoạt động tốt.

Một nhân viên của trung tâm huấn luyện cho biết: “Máy bay ngày nay sản xuất bằng vật liệu rất nhẹ nên mới có chuyện nó bị móp thảm hại khi va phải ô tô trong sân bay. Chiếc 707 khác hẳn, đụng vào nó, xe móp chứ nó chẳng làm sao”.

Tôi đi vòng quanh máy bay và thấy khu nhà phụ đã được xây trùm lên một phần đuôi máy bay. Đuôi máy bay thò lên nóc nhà, nom kỳ quái.

Cánh máy bay dài đến mức người ta chỉ có thể bán cà phê dưới một cánh, còn dưới cánh phía bên kia, đất đai bỏ hoang.


Trang web chính thức của hãng Boeing nhận xét: “Máy bay Boeing 707 là một cuộc cách mạng trong ngành hàng không”.

Boeing 707 được sản xuất năm 1957. Đây là dòng máy bay chở khách phản lực đầu tiên của Mỹ. Nó cũng là máy bay chở khách lớn nhất lúc ấy, chở được 181 hành khách, tốc độ 966km/h, đường bay tối đa lên tới 4.828km.

Boeing 707 mở đầu kỷ nguyên thống trị của hãng Boeing trong lĩnh vực sản xuất máy bay phản lực dân dụng. Kỷ nguyên ấy vẫn tồn tại vững vàng đến ngày nay.

Chiếc máy bay chuyên dụng đầu tiên dành cho Tổng thống Mỹ chính là một phiên bản của Boeing 707 và vị Tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng là John Kennedy.


Theo Nguyên Anh / Tiền Phong

Choáng với cô gái ăn 1,83 km băng dính mỗi tháng

MNCT - Andrea - một cô gái 23 tuổi ở tiểu bang Georgia (Mỹ) nổi tiếng vì nghiện ăn băng dính, theo Daily Mail.

Theo Andrea, mỗi ngày cô ăn khoảng 3 cuộn băng dính, nghĩa là bình quân mỗi tháng Andrea ăn khoảng 1,83 km băng dính, theo cách tính của Daily Mail.

Andrea bắt đầu có thói quen ăn băng dính cách đây 9 năm - Ảnh: Daily Mail

Chia sẻ trên chương trình “My Strange Addiction” của kênh Discovery Real Time, Andrea nói: “Tôi nghiện ăn băng dính. Nếu tôi thấy nó trước mặt, tôi sẽ nhặt nó lên và nhai”.

Andrea cho biết thêm: “Băng dính có mùi hóa chất. Thỉnh thoảng nó lại có mùi vị giống như keo dán. Tôi thường nhai và nuốt trong khoảng 30 giây”.

Theo Ihay

Ăn gì để làm mới tâm trạng?

MNCT - Dưới đây là những loại thực phẩm giúp cải thiện tâm trạng nên được bổ sung vào chế độ ăn uống mỗi ngày, theo ANI.

Khoai tây


Khoai tây rất giàu folate giúp đường huyết duy trì ổn định.

Đạu phộng


Đậu phộng là một trong những nguồn chất khoáng chứa lưu huỳnh rất có ích cho những ai đang lo lắng.


Cá da trơn


Cá da trơn như cá mòi, cá thu rất giàu axit béo omega 3, giúp tâm trạng cảm thấy thoải mái và đặc biệt là tăng khả năng tập trung làm việc.


Trứng


Trứng chứa nguồn kẽm dồi dào giúp cơ thể dồi dào năng lượng nhờ điều chỉnh cơ chế trao đổi chất trong cơ thể và điều hòa lượng đường huyết.


Sữa chua


Sữa chua giàu canxi và protein giúp giải tỏa buồn chán và lo lắng.


Rau bina (rau chân vịt)


Rau bina rất giàu chất sắt giúp tăng cường năng lượng và giải tỏa mệt mỏi, đồng thời hỗ trợ sự tập trung. Ngoài ra, rau bina còn chứa nhiều vitamin B6 và folate hỗ trợ thần kinh và não bộ.


Nguyễn Đan
Ảnh: Shutterstock

Thử làm món cá mú tay cầm

MNCT - Thịt cá mú có vị ngọt hấp dẫn, dùng kèm nhiều rau, củ, nấm - mang lại cảm giác “yên tâm” cho người ăn vì đó chắc chắn là một món rất có lợi cho sức khỏe. Sử dụng nồi đất là một gợi ý nho nhỏ mang lại sự thú vị cho thực khách.

Đầu bếp Trần Nhiêu Minh (ảnh) của khách sạn InterContinental Asiana Saigon (quận 1, TP.HCM) hướng dẫn cách thực hiện món cá mú tay cầm.


Nguyên liệu:

- Cá mú phi lê: 240 gr
- Đậu hũ non: 100 gr
- Nấm đông cô khô: 3 gr
- Măng tây tươi: 120 gr
- Tỏi: 80 gr
- Cà rốt: 50 gr
- Gừng: 15 gr
- Dầu hành: 4 gr
- Cải thìa: 80 gr
- Dầu hào: 30 gr
- Một ít bột gà, muối, đường, tiêu trắng xay (tùy khẩu vị).


Cách làm:

- Cá mú rửa sạch cắt khúc,
- Đậu hũ chiên vàng,
- Nấm đông cô cắt đôi, cà rốt tỉa hoa, gừng cắt lát, cải thìa cắt đôi, măng tây cắt khúc dài.
- Bằm nhỏ tỏi rồi phi dầu hào cho thơm trong nồi đất, sau đó cho cá vào xào. Nêm một phần muối, đường, bột gà.
- Tiếp tục cho đậu hũ và các loại rau củ vào xào cho chín. Nêm phần gia vị còn lại vừa ăn.
- Dùng nóng.

Theo Ihay

Thưởng thức ếch đồng "ngóng" lá giang

MNCT - Còn gì thú vị cho bằng trong cái nóng oi ả của ngày hè được thưởng thức món "Ếch đồng nấu lá giang" thơm lừng, hấp dẫn!

Cây giang là loại dây leo hoang dại sống nơi rừng núi, thân có nhựa trắng. Lá giang màu xanh, có dạng hình quả tim, vị chua nhẹ. Theo y học dân gian, lá giang có tính mát, thanh nhiệt, tiêu viêm, sát khuẩn…

Trước đây, lá giang ít thấy bán ở chợ vì giá trị kinh tế không cao. Nay, lá giang được người dân phố thị ưa thích và được xem là đặc sản trong các nhà hàng, quán ăn. Vì thế, những năm gần đây, người dân các huyện: Trảng Bàng (Tây Ninh), Vĩnh Cửu (Bình Dương), Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tri Tôn (Châu Đốc - An giang)… mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng; và cây giang trở thành cây chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện lá giang bán tại chợ Cần Thơ giá 30.000đ/kg

Lá giang kết hợp với những nguyên liệu khác sẽ trở thành những món ăn ngon, bổ dưỡng trong mùa nóng để chống viêm, hạ nhiệt như: thịt bò xào lá giang, cá lóc, cá kèo kho lá giang,.. Nhưng có một món ngon dân dã phải kể là món ếch đồng nấu lá giang.

Làm món này không khó, nhưng để món ăn đạt chất lượng đòi hỏi sự tinh tế trong khâu nêm nếm.

Nguyên liệu:

- 1 kg ếch đồng
- Khoảng 100 gram lá giang
- 1 ít ngò gai, ớt sừng
- Bún
- Gia vị: Muối, đường, bột ngọt ...

Mua ếch đã làm sạch

Cách làm:

- Trước hết, ếch đồng mua ở chợ về khoảng 1kg, dùng dao bén xử lý kỹ, bỏ hết bộ đồ lòng. Sau đó ta chặt ếch thành từng miếng vừa đũa gắp để sẵn ra rổ, rồi bắc chảo lên bếp, phi mỡ (dầu) tỏi cho thơm, xong đổ thịt ếch vào xào cho săn, để ra dĩa.

- Kế đến, chọn những lá giang vừa ăn (không quá già cũng không quá non) lặt bỏ cuống lẫn lá sâu, rửa sạch, để ráo (khoảng 100 gram, muốn chua ít nhiều có thể gia giảm tùy sở thích).

- Ở công đoạn kế tiếp, ta bắc nồi nước (khoảng 1,5 lít nước) lên bếp nấu sôi, vò lá giang để chất chua trong lá tan nhanh, cho vào nồi nấu vừa chín tới. Sau khi nêm nếm gia vị (muối, đường, bột ngọt) cho vừa ăn, ta cho thịt ếch đã xào vào, chờ nước sôi bùng lên, bắc xuống.

- Khi múc ra tô, nhớ thêm vào một nhúm ngò om (hoặc ngò gai) xắt nhuyễn, vài lát ớt sừng chín đỏ để thêm hương vị, màu sắc bắt mắt.

Trước khi dùng, nên chuẩn bị một chén nước mắm ngon nguyên chất, trong đó có vài trái ớt hiểm chín, một dĩa bún nữa, là xong

- Cầm đũa gắp đùi ếch trắng ngà cùng ít lá giang chín màu nâu thẫm chấm vào chén nước mắm Phú Quốc đưa lên miệng nhai chậm rãi, vị ngọt, dai của thịt ếch hòa lẫn vị chua thanh, hậu ngọt cùng mùi thơm đặc trưng của lá giang, cay cay của ớt… kích thích mọi giác quan.

- Thêm miếng bún trắng ngần cho vào chén, chan vài muỗng nước canh chua vào “lua” một hơi, ngon mát... tối ngủ khỏi đội nón.

Bài, ảnh: Khánh Hạ
Theo Ihay

Ngon miệng, đẹp mắt với món cá hoa cúc

MNCT - Miếng cá mú nở hoa giữa thứ nước xốt chua chua, ngọt ngọt thoang thoảng hương dịu dàng của chanh dây. 

Thịt cá mú mới cắn thì giòn rụm nhưng bên trong mềm và ngon ngọt. Những cánh hoa cúc vàng lãng đãng tưởng đâu chỉ để trang trí cho đẹp nhưng ăn kèm với cá mú lại cho một hương vị là lạ, hay hay...

Đầu bếp Vương Siêu Vinh (ảnh) của nhà hàng Chợ Mới (Q.3, TP.HCM) hướng dẫn cách thực hiện món cá hoa cúc:

Nguyên liệu:

- Cá mú sao phi lê: 300 gr
- Bột mì: 100 gr
- Bột năng: 50 gr
- Trứng gà: 1 quả
- Muối: 1/3 muỗng cà phê
- Bột ngọt: 1/2 muỗng cà phê

* Nước xốt:

- Chanh dây: 1 trái
- Tương cà: 1 muỗng cà phê
- Xốt OK: 1/2 muỗng cà phê
- Tương Catchup: 1/2 muỗng cà phê
- Đường phèn: 50 gr
- Muối: 1/4 muỗng cà phê

Cách làm:

- Cắt thịt cá mú theo hình hạt lựu lớn nhưng chừa phần da lại, để cả tảng cá vẫn dính liền nhau ở phần da.

- Quết tan trứng, cho bột ngọt, muối vào, đánh đều. Thêm 10 gr bột năng vào trứng, quậy đều. Dùng hỗn hợp này ướp cá khoảng 15 phút.

- Trộn bột mì với số bột năng còn lại. Gắp miếng cá ra khỏi hỗn hợp trứng. Tẩm cá qua bột.

- Chiên cá trong chảo dầu nóng (dầu ngập cá) cho đến khi thấy cá chín vàng là được. Để lửa lớn đến khi dầu sôi, khi cho cá vào thì vặn nhỏ lửa.

- Nước xốt: Trộn tất cả các loại gia vị với nhau, nấu sôi, để lửa nhỏ. Thêm một muỗng cà phê bột năng vào. Quậy đến khi thấy hỗn hợp hơi sền sệt thì tắt bếp.


- Cho cá ra đĩa, chan nước xốt lên trên. Có thể trang trí bằng vài cánh hoa cúc vàng.

Bài: Đoan Nhật
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Theo Ihay

Ngon với cuốn diếp Cố Đô

MNCT - Chấm cuốn diếp quen thuộc vào chén nước sền sệt rực cam trước mặt, bỗng nghe vỡ òa một hương vị lạ lùng thật quyến rũ. Cái hương vị mê hoặc đó chỉ có thể là con tôm chua tinh tế của đất Huế đằm thắm dịu êm.

Nhưng con tôm không nằm trong cuốn diếp, mà hòa lẫn trong chén nước chấm cùng rượu, cùng riềng, tạo nên một hương vị lạ khiến người ăn chỉ muốn chấm mãi. Đến khi đã hết cuốn diếp rồi mà vẫn thèm cái vị cay, vị chua, vị nồng, vị ngọt tinh tế biến hóa miên man của ẩm thực Việt... trong chén nước chấm đặc biệt.

Bếp trưởng Khâu Trọng Trí (ảnh) của nhà hàng Bún K’ (Q.3, TP.HCM) hướng dẫn thực hiện món cuốn diếp Cố Đô với loại nước chấm tôm chua có hương vị mê hoặc này.


Ngon với cuốn diếp Cố Đô

Nguyên liệu:

- Cải bẹ xanh lá to: 300 gr
- Bún tươi: 50 gr
- Tôm sú tươi: 300 gr
- Thịt ba chỉ: 100 gr
- Hành lá hoặc hẹ: một ít
- Rau thơm các loại: húng cây, húng quế, tía tô, húng lủi... (tùy sở thích): một ít

Nước chấm:

- Tôm chua Huế: 100 gr
- Rượu trắng: 2 muỗng cà phê
- Riềng: 30 gr
- Đường: 3 muỗng cà phê
- Nước ấm: 1 muỗng canh

Cách làm:

- Luộc chín thịt ba chỉ.

- Luộc chín tôm, bỏ đầu, lột vỏ, chừa lại phần đuôi.

- Rọc bỏ phần cọng ở giữa cải bẹ xanh. Trải phần lá xanh ra mâm, cho lên trên mỗi loại rau thơm 1 lá, vài cọng bún, một lát thịt luộc và một con tôm. Nhớ để lòi phần đuôi tôm ra ngoài cho đẹp.

- Cuốn lá cải lại. Dùng hẹ hoặc hành lá cột lại cho chắc.

Nước chấm:

Cho tôm chua và tất cả các loại gia vị vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Thêm vào một muỗng nước ấm (không dùng nước lạnh vì sẽ gây mùi tanh). Cho thêm ớt nếu thích vị cay.

Đoan Nhật
Theo Ihay

Lai rai bia tuyết với sườn "khủng"

MNCT - Mồi ngon “săn” thêm bia ướp lạnh đến đông đá, đang là trào lưu ẩm thực lạ ở Sài Gòn.

Cắn miếng sườn ngọt thơm cùng dư vị beo béo của sữa tươi, vẫn còn thiếu! Hớp ly bia mát lạnh, đang sủi bọt lăn tăn rồi kết thành những viên đá nhỏ gần bằng ngón tay út. Sướng khó tả!

Tất nhiên, người viết không có ý quảng cáo... bia. Song có một công nghệ ướp lạnh bia đến -100 C, khiến lượng bia trong chai cực lạnh và có mùi vị gần giống bia tươi. Lúc trời nóng bức hoặc tâm trạng không vui, bạn có thể mượn loại bia này để giải tỏa!


Sườn "khủng" ngọt thơm và beo béo vị sữa tươi

Như luồng gió mới, cách nay 4 tháng, một doanh nghiệp người Bỉ đã chính thức nhập công nghệ này về TP.HCM. Hình thức kinh doanh là cho thuê.

Ngạc nhiên hơn, người nghĩ ra ý tưởng này là một doanh nhân Philippines, từ năm 2008. Vốn là chủ một chuỗi nhà hàng, nên ông này đem ý tưởng ướp bia thật lạnh đến độ đóng tuyết, bàn với những chuyên gia điện lạnh. Cuối cùng, họ đã “độ” lại dòng tủ đông đời mới thành một công nghệ... mới hơn. Được biết, dạng bia vừa kể đã có mặt ở nhiều nước mạnh về công nghệ giải trí: Mỹ, Thái Lan...

Đầu bếp Trần Minh, ở nhà hàng Duyên Hải, Cần Giờ, TP.HCM cũng có cách ướp bia tương tự, để đãi bạn thân món “bia kem hột gà”. Bằng cách, ông lấy 4 đến 6 lon bia cho vào khay với một ít muối hột, để vào ngăn đá tủ lạnh, đợi thêm 4 - 6 tiếng. Sau đó cho lòng đỏ trứng gà vào đáy ly, rót bia đã ướp vào khuấy lên, uống khỏi cần mồi cũng rất ngon. Mặc dù vậy, ướp lạnh kiểu công nghiệp thì ông Minh đành... chào thua.

Và theo các “bia... thủ” thích dạng bia này, thì nó còn làm người uống mau say hơn. Ví dụ bình thường “đô” của bạn là 5 chai. Riêng bia tuyết chỉ được 3 chai!


Vì bị đóng tuyết nên bia chảy ít và chậm. Bia tuyết uống giống bia tươi

Nhưng bia ngon đến đâu cũng sẽ cô độc nếu thiếu mồi lạ, ví như anh hùng khát... tri kỷ. Thế là, một cuộc đua sáng tạo món mới được những người kinh doanh dạng bia vừa nêu bắt đầu khởi động.

Nhiều đầu bếp giỏi luôn nghiền ngẫm, trăn trở với các món dạng khô. Đáng kể là món sườn bê lai nướng. Vì miếng sườn to cỡ ba ngón tay người lớn, nên nhân viên bán hàng có cớ thêu dệt: sườn khủng long. Có thể đây là một giống bò sữa lai, chuyên lấy thịt, nhập từ Úc, nên mới có chút thơm béo nhẹ giống sữa tươi.

Theo các đầu bếp của một nhà hàng mạnh về các món nướng, trên đường Nguyễn Thị Diệu, Q.3, TP.HCM, việc thử gia vị cho món này cũng không kém gian nan. Đến lần thứ 7 mới thành công. Song mùi vị chủ đạo của món này, phần lớn nhờ sự “phò tá” của một loại cà ri ngon. Tuy nhiên, nguồn hàng này hiện vẫn rất hạn chế.

Điều này có nghĩa là, cuộc đua đi tìm “nàng thơ” cho chàng bia có trái tim... băng giá đang tiếp diễn, âm thầm mà khốc liệt! Nhờ vậy, người tiêu dùng như ngư ông đắc lợi.

Bài, ảnh: Tạ Tri
Theo ihay

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Ngon, bổ ốc Hương Phú Quốc

MNCT - Con ốc hương không những quyến rũ với mùi thơm tự nhiên mà còn khiến bao người phải ngất ngây nhờ thịt ngọt.

Phú Quốc từng được mệnh danh là “đảo ngọc đất phương Nam”, nơi có biển sạch và giàu tiềm năng hải sản với hơn 1.000 loài, đặc biệt là các loài nhuyễn thể. Trong đó ốc hương cung cấp nhiều calori, các loại vitamin B, rất cần cho hoạt động của não và hệ thần kinh. Ốc hương không có cholesterol, lại dễ được cơ thể hấp thụ, dù ăn đến mấy cũng không sợ béo và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Còn theo đánh giá của các tay mộ điệu ẩm thực, ốc hương là “cao thủ trong các loại ốc biển" và là món ăn phổ biến trong các nhà hàng. Nhiều loại ốc khi luộc, mặc dù cho thêm sả, gừng nhưng cũng không loại hết mùi tanh của ốc. Chỉ riêng ốc hương dù luộc mộc, mùi ốc vẫn tỏa hương, ngan ngát như mùi lá dứa, khêu gợi khứu giác thực khách.

Ngon, bổ ốc Hương Phú Quốc. Ảnh: TK

Có nhiều cách chế biến ốc hương khác nhau tùy theo bàn tay tài hoa của mỗi người. Có người thích luộc, có người thích nướng, hấp, tẩm bột chiên giòn, lại có người thích làm gỏi hoặc sốt me chua cay.

Dân sành điệu ở miền Trung sau khi luộc sôi ốc vài dạo thì vớt ra nhúng vào nước lạnh cho thịt mềm và giòn. Tại Phú Quốc, nhiều du khách thích món nướng và luộc chấm muối ớt, muối tiêu chanh, hoặc tương ớt.

Hấp dẫn nhất là khi nướng gần chín, ta cho chút mỡ hành hoặc dầu ăn vào miệng ốc hương rồi tiếp tục nướng. Nhờ thế thịt ốc sẽ trở nên vàng ruộm và bốc mùi thơm nức, khiến mọi người khó cưỡng lại được sự thèm thuồng.

Khi ăn, ta nhẹ tay "lôi” nguyên con ốc ra, cho vào miệng nhẩn nha nghe giòn giòn, sần sật, đậm đà, tha hồ mà tận hưởng mùi thơm ngon của thịt cùng với vị bùi bùi của gan ốc thật tuyệt. Nếu có thêm một ly rượu nồng để "dẫn mồi" thì nhất định quên cả lối về.

Nhiều người quả quyết ốc hương hơn hẳn các loài ốc khác ở chỗ vừa thơm ngon, vừa hiền, hàm lượng dinh dưỡng cao. Khi ăn, thực khách nên chọn những con nhỏ, thịt sẽ ngọt bùi và mềm hơn con lớn. Ốc hương nấu me cũng là món ngon không nên bỏ qua. Nhẩn nha từng miếng ốc thơm ngọt, chua chua, cay cay, bảo đảm ngon nhức răng. Để chắc bụng, bạn nhón thêm mấy miếng bánh mì chấm vào nước xốt ốc chua cay, càng khoái khẩu.

Hoài Phương
Theo Ihay

Bài đăng phổ biến