Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Tình cờ bén duyên nghể bếp

MNCT - Thoạt nhìn vẻ hơi "công tử" của anh Bảo Tuấn, ít ai ngờ anh lại là bếp phó điều hành tại khách sạn Caravelle. Nghề bếp đến với anh một cách tình cờ, và anh may mắn bén duyên sâu đậm với nó.
Tình cờ bén duyên

Nếu có dịp gặp anh Bảo Tuấn - bếp phó điều hành khách sạn Caravelle, ắt hẳn bạn cũng có ấn tượng không khác gì chúng tôi. Điều đầu tiên dễ nhận thấy ở anh là dáng người thanh cao, gương mặt phúc hậu, vẻ nhiệt tình cùng phong cách chuyên nghiệp trong công việc. Ít ai biết anh cũng chỉ tình cờ bén duyên chứ không hề được kế thừa khả năng bếp núc từ gia đình hay được đào tạo bài bản như những đầu bếp khác.

Chào anh, anh có thể cho biết duyên cớ nào khiến anh bỏ học ngoại thương để chuyển sang làm nghề bếp?

Trước kia tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ theo nghiệp bếp, đến tháng 6 năm 1994, khi còn là sinh viên ở giảng đường, tôi xin đi làm phụ bếp tại khách sạn New World với chủ ý là để trang trải cho việc học. May mắn đã mỉm cười với tôi khi tôi có cơ hội làm việc với Bếp trưởng tại Khách sạn New World Saigon lúc bấy giờ, anh Hồ Việt Điểu. Người đầu bếp Việt kiều Canada này đã hết lòng giúp đỡ tôi. Chỉ sau 3 tháng tôi đã có thể đứng bếp khá thành thạo. Đam mê về bếp núc mỗi ngày bùng cháy đã đốt luôn ý định trở thành nhân viên xuất nhập khẩu của tôi trước đây. Vì thế, tôi gắn bó tại New World gần 9 năm, sau đó tôi chuyển sang làm bếp tại khách sạn Caravelle cho đến bây giờ.

Nghề bếp rất vất vả, có bao giờ anh hối hận về quyết định của mình? 

Tôi không nghĩ là mình đã sai lầm. Đến giờ tôi vẫn rất yêu thích nghề bếp. Đúng là làm bếp tuy có phần khổ hơn vài ngành nghề khác, nhưng âu đó cũng là cái duyên của từng người. Có nhiều người được học bài bản về nghề bếp nhưng rồi lại để “lụt nghề”, không dùng đến. Nhưng tôi thì khác, tình cờ mà lại rất bén duyên.

Anh nghĩ yếu tố chính mang lại sự thành công của người đầu bếp là gì?

Tôi luôn quan niệm, không chỉ riêng nghề bếp mà nghề nào cũng vậy, muốn giỏi, muốn không tụt hậu thì phải trau dồi mỗi ngày, phải “văn ôn võ luyện”, phải thường xuyên đứng bếp. Hơn nữa, làm bếp cũng phải có động lực, có đam mê và chịu khó học hỏi. Cũng không khó lắm để khơi gợi đam mê, bởi bạn biết đấy, nghề bếp là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng. Điều này một phần sẽ khiến bạn luôn có những nhân tố mới để khám phá, để đam mê, một phần lại là yếu tố quyết định bạn tồn tại hay không trong nghề bếp.

Còn riêng anh, anh có bí quyết nào để thành công như hôm nay?

Ngoài những điều kể trên, tôi làm việc bất kể thời gian. Điều quan trọng vẫn là làm thế nào để mang lại sự hài lòng cao nhất cho thực khách. Với tôi, niềm vui của người thưởng thức cũng là niềm vui của tôi. Bên cạnh đó, tôi luôn học mỗi ngày qua những đầu bếp nổi tiếng, qua sách báo ẩm thực của các nước và học cả trong khi chế biến món ăn ngon, cách bài trí để thu hút, lắng nghe ý kiến của thực khách...

Thậm chí, có những ngày nghỉ tôi vẫn cận kề bên bếp trưởng để mong được học hỏi nhiều hơn. Ngoài ra, việc xây dựng tinh thần làm việc tốt trong nội bộ cũng góp phần đáng kể cho sự thành công trong sự nghiệp. Vì thế, tôi luôn cố gắng hòa lòng với mọi người để xây dựng bầu không khí làm việc tốt và tạo được ê kíp làm việc hiệu quả nhất có thể.

Tận tụy và chuyên chú vào công việc đến thế, anh có gặp khó khăn trong đời sống gia đình?

Khó hay dễ là ở chính bản thân mỗi người. Nghề bếp thật sự cực lắm, tôi phải làm việc từ sáng đến khuya là chuyện bình thường. Nhưng tự mình phải biết chính mình, phải hoàn thiện công việc tốt hơn mỗi ngày, không bỏ dở công việc trước khi về. Còn đối với gia đình, tuy tôi ít có thời gian nhưng mỗi khi có dịp nghỉ thì gia đình luôn là ưu tiên số một. Mỗi khi có dịp, tôi thường dành thời gian cho gia đình qua việc tổ chức ăn uống tại nhà hoặc đi du lịch để bù lại những bữa cơm vắng nhà.

Đã là bếp phó điều hành tại khách sạn 5 sao nổi tiếng như Caravelle, nhưng hẳn anh cũng ao ước tiến đến bục cao hơn?

Dĩ nhiên ai cũng muốn tiến xa hơn, nhưng đó không phải là điều tôi quan tâm nhất. Trước hết, tôi muốn dùng những kiến thức đã và đang có để giúp cho thế hệ sau, một thế hệ đầy nhiệt huyết và dày về lý thuyết nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Vì thế, ngoài vai trò làm bếp tôi còn hướng dẫn kỹ năng cho các em mới vào nghề có dịp làm việc cùng tôi. Sau nhiều năm, tôi nhận thấy việc tìm được một “đệ tử” để đào tạo nên nghề cũng rất khó khăn, có nhiều người bỏ cuộc giữa chừng vì không đủ kiên nhẫn.

Điều đó có khiến anh hụt hẫng hay nản lòng?

Cũng có đôi khi, nhưng nếu chính tôi cũng nản thì làm sao mong người khác đủ kiên nhẫn. Vì thế, tôi vẫn nhiệt tình và kiên nhẫn chia sẻ kiến thức của mình cho thế hệ sau, không có quan điểm giấu nghề.

(Theo Tạp chí Món Ngon Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến